icon icon
Số 4 Đường Yên Sở, Thôn 4, Xã Yên Sở, Huyện Hoài Đức, Hà Nội Tìm kiếm

LAN TỎA NHỮNG NGHĨA CỬ CAO ĐẸP CỦA MỘT GIÁO VIÊN VỀ HƯU

Người đăng: TRƯỜNG TIỂU HỌC YÊN SỞ - 29/05/2024

BÀI DỰ THI VIẾT VỀ
TẤM GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN, NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT

VÀ CÔNG TÁC PHÁT HIỆN, TUYÊN TRUYỀN, NHÂN RỘNG

ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN, NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT TRONG

PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC HUYỆN HOÀI ĐỨC NĂM 2023
 

Tác giả: Trần Thị Hải Yến   

Đơn vị: Trường Tiểu học Yên Sở - Hoài Đức, Hà Nội

Theo quy luật của thời gian, con người rồi đến lúc phải già đi, đến một lúc nào đó thì chúng ta lại được nghỉ ngơi dành hết thời gian còn lại để lo cho gia đình và vui cùng con cháu. Ở độ tuổi 65, tuổi được nhà nước cho phép nghỉ chế độ hưu trí 10 năm nay nhưng có một cô giáo vẫn tiếp tục làm việc, đem hết công sức lao động của mình phục vụ cho địa phương nơi cô sinh sống. Hình ảnh cao đẹp của một người phụ nữ Việt Nam hiện đại, một nhà giáo luôn hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, có cuộc sống thật tuyệt vời, cô giáo luôn sống và cống hiến công sức của mình cho xã hội để làm niềm vui lẽ sống. Cô giáo quan niệm rằng “Tuổi tác cho ta kinh nghiệm sống chứ nó không phải là rào cản sự cống hiến của mỗi con người, nếu còn khỏe thì tiếp tục lao động phục vụ cho gia đình và xã hội, nếu không còn khỏe nữa thì nghỉ ngơi”. Quan niệm và cách sống của cô giáo rất đáng trân trọng làm cho chúng ta phải suy nghĩ và học tập noi theo.

Yêu trường, yêu nghề, mến trẻ …sau khi đã nghĩ chế độ vẫn còn mong muốn lan tỏa những giá trị sống cao đẹp đến cho thế hệ sau đó là những gì tôi muốn nói đến trong bài viết này. Cô giáo Nguyễn Thị Hải, một nhà giáo đã cống hiến trọn vẹn tuổi đời cho giáo dục. Cô giáo Nguyễn Thị Hải

Sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm, cô Hải được phân công về công tác tại trường Trung học Cơ sở Cát Quế A, đến năm 2013 cô nghỉ hưu theo chế độ nhà nước. Ở cương vị nào, cô cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong mắt nhìn của đồng nghiệp cô Nguyễn Thị Hải là một người đầy nhiệt huyết, máu nghề nghiệp luôn hừng hực cháy, rất nhiều đồng nghiệp từng công tác với cô đã thực sự ngưỡng mộ nhiệt huyết, tinh thần, sự đóng góp cho xã hội của cô.

Nhiều năm đứng lớp, cô giáo Hải luôn đặt cái tâm nghề nghiệp, lợi ích của học trò lên hàng đầu. Ngoài kiến thức sách vở, cô luôn tìm tòi và đưa những bài học thực tế vào tiết dạy để bài học thêm hấp dẫn và gây hứng thú với học sinh. Cô được nhà trường tin tưởng, xếp dạy những lớp mũi nhọn, dẫn dắt đội tuyển học sinh giỏi. Những lớp cô đảm nhiệm đạt thành tích cao, đội tuyển học sinh giỏi thường đứng trong tốp đầu của trường và của huyện. Cô cũng thường đạt thành tích nhất, nhì trong công tác thi đua giáo viên giỏi trong trường và huyện. Cô cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp, đặc biệt là những giáo viên trẻ, mới ra trường. Ngoài ra, cô còn liên tục tham gia các phong trào của trường.

Sau khi nghỉ chế độ, cô Hải tham gia hội dưỡng sinh của huyện Hoài Đức, Hà Nội. Được thành lập 4/1/2004, với tên gọi Câu lạc bộ dưỡng sinh Người cao tuổi huyện Hoài Đức, có 80 hội viên của 4 xã, thị trấn: Thị trấn Trạm Trôi, xã Kim Chung, Đức Giang, Đức Thượng tham gia, nay, đổi tên thành Câu lạc bộ Sức khỏe ngoài trời thu hút 336 hội viên của 13 xã tham gia, trở thành sân chơi hấp dẫn cho người cao tuổi.

Cô Hải cùng các hội viên trong Câu lạc bộ dưỡng sinh.

Là một giáo viên cô Hải ý thức được giá trị của tinh thần tập luyện dưỡng sinh và cô đã không ngừng nhân rộng mô hình, tổ chức nhiều hoạt động để ngày càng phát triển câu lạc bộ đúng với tinh thần của nó. Cô Hải còn thường xuyên tìm hiểu hoạt động của các mô hình dưỡng sinh trên địa bàn Hà Nội để phát triển và điều chỉnh ở hoạt động của hội cho phù hợp, cô cùng các cô chú trong hội dưỡng sinh thường xuyên trình diễn các hoạt động tập luyện để lan tỏa cho cộng đồng cùng xây dựng, phát triển phong trào dưỡng sinh.

Đã nghỉ hưu nhưng cô Hải vẫn miệt mài nghiên cứu, làm các video tập luyện dưỡng sinh. Cô chia sẻ, ý tưởng làm video tập luyện đăng lên mạng xã hội xuất phát từ mong muốn giúp mọi người có thể tham khảo lại nhiều lần, những người không có thời gian cũng có thể xem để tập luyện. Cô Hải tích cực sưu tầm băng đĩa, quay phim chụp ảnh làm tư liệu, thường xuyên sửa chữa, làm mới đạo cụ tập luyện cho CLB… góp phần đưa phong trào dưỡng sinh của địa phương và của huyện Hoài Đức lớn mạnh, hoạt động hiệu quả như hôm nay. Cô cũng cho biết, cô làm để lan tỏa giá trị sống chứ không vì mục đích kinh tế. Các video dưỡng sinh của cô đã được rất nhiều cô chú theo dõi và ủng hộ, hoạt động dưỡng sinh ở huyện Hoài Đức cũng trở nên sôi nổi so với những năm trước

Ngoài hoạt động dưỡng sinh mấy năm qua, cô giáo Hải liên tục tham gia ủng hộ và kêu gọi quyên góp cho những người có hoàn cảnh khó khăn với nhóm Thiện Nguyện Làng Giá. Cô Hải tâm sự: “Nhìn những hoàn cảnh éo le, tôi thấy mình hạnh phúc quá vì mình có gia đình, con cái, học trò, đồng nghiệp, có công việc, có nhà, có tiền lương, tuy không phải giàu sang nhưng đủ cân bằng cuộc sống. Được nghe và chứng kiến những mảnh đời ấy, tình yêu thương trỗi dậy, thôi thúc tôi làm”. Cô Hải chia sẻ: "Quãng thời gian nghỉ hưu đối với tôi thật sự rất có ý nghĩa. Giúp đỡ người khác cũng là cách tạo niềm vui, hạnh phúc cho mình. Làm việc thiện thì không câu nệ chuyện lớn hay nhỏ, miễn công sức của mình mang lại điều tốt cho xã hội là mãn nguyện rồi".

Đúng như lời thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông: Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm. Nhưng ở đây bàn tay của cô Nguyễn Thị Hải cùng các người dân ở địa phương  đã làm đẹp, làm sạch cho thôn, xóm, cho đời. Mỗi tháng hai lần, Cô Hải cùng mọi người đã tình nguyện mang dao, liềm ra triền đê thuộc thôn mình cắt tỉa cỏ, nhổ cây dại. Việc làm của cô đã nhân rộng đến nhiều đồng nghiệp khác, hiện nay ở khu vực đê ở huyện Hoài Đức thì việc chăm sóc cây thảm cỏ đã được thực hiện rất thường xuyên.

Trong quá trình công tác, hằng năm, cô Hải được địa phương tặng nhiều giấy khen. Mới đây, cô được UBND huyện Hoài Đức tặng Giấy khen có thành tích tốt trong công tác xây dựng Hội dưỡng sinh xã Yên Sở. Cô Hải là gương người tốt việc tốt tiêu biểu ở địa phương, rất nhiệt tình, xông xáo. Cô đã góp phần đưa nhiều phong trào phụ nữ khu vực 3 phát triển, thu hút chị em tham gia. Sống gương mẫu, chan hòa, hết lòng vì việc chung nên cô Hải được hội viên quý mến, tín nhiệm.

Lối sống tử tế đem lại niềm vui, sự hạnh phúc cho chính bản thân mình. Tố Hữu đã từng nói: “Đã là con chim, chiếc lá, con chim phải hót, chiếc lá phải xanh. Lẽ nào vay mà không có trả, sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Lối sống tử tế khi được lan tỏa sẽ khiến cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Đối với Cô Hải thì cho đi – nhận lại yêu thương là điều đẹp đẽ và tuyệt vời nhất đối với cô. Trong xã hội ngày càng phát triển, con người ngày một vô cảm, tình yêu thương giữa con người với con người ngày càng trở thành món quà xa xỉ thì việc lan truyền những người tử tế, việc tử tế càng trở nên quan trọng hơn. Những hoạt động của cô Hải đã góp phần hình thành nên những giá trị sống tốt đẹp, lan tỏa trong cộng đồng, giúp cho chúng ta có những bài học quý giá trong cuộc sống.

Tác giả: Trần Thị Hải Yến