icon icon
Số 4 Đường Yên Sở, Thôn 4, Xã Yên Sở, Huyện Hoài Đức, Hà Nội Tìm kiếm

TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG BỆNH SỞI

Người đăng: TRƯỜNG TIỂU HỌC YÊN SỞ - 15/04/2025

Các quý phụ huynh và các em học sinh thân mến! Bệnh sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dễ lây lan, đặc biệt ở trẻ em.

Thực hiện Công văn số 112/PGD-HC ngày 10 tháng 3 năm 2025 của phòng GD&ĐT Hoài Đức về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Đồng thời, với sự gia tăng các ca mắc sởi trong thời gian gần đây, trường Tiểu học Yên Sở xin gửi đến quý phụ huynh và các em một số thông tin quan trọng và các biện pháp phòng chống bệnh sởi để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

           Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, bệnh rất dễ bùng phát thành dịch. Sởi lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp, dễ tấn công người chưa có miễn dịch, đặc biệt trẻ em chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ. 

* Các triệu chứng của bệnh sởi?

Biểu hiện đầu tiên của bệnh sởi là sốt cao, chảy nước mũi, ho, mắt sưng đỏ, viêm. Vài ngày sau đó, những nốt nhỏ màu trắng sẽ xuất hiện trong miệng, đặc biệt là ở hai bên má.

Một vài ngày sau đó nữa, các ban mụn sẽ nổi khắp mặt, cổ và lan xuống cơ thể. Khi đó thân nhiệt cao, có thể lên tới 40,6 độ C. Các vùng phát ban có thể trở nên ngứa ngáy. Ngoài ra là cảm thấy ốm mệt, có cảm giác đau nhức; chứng ho trở nên nặng hơn.

Ban xuất hiện khoảng 5 ngày và khi "tàn" sẽ có màu hơi nâu nâu rồi sẽ biến mất, để lại lớp da khô, bong tróc.


* Những biến chứng có thể gặp?

Đa phần các trường hợp mắc sởi đều khỏi bệnh mà không gặp vấn đề gì. Khoảng 20 - 30% trường hợp mắc sởi gặp một số biến chứng như tiêu chảy hay viêm tai.

Một số nhỏ khác có thể gặp các biến chứng nặng hơn như viêm phổi, viêm màng não, viêm não và rất hiếm các trường hợp gặp biến chứng nặng ở não.

* Chăm sóc người bị sởi như thế nào?

Cách ly trẻ bệnh với các trẻ lành. Đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, tăng cường thức ăn giàu vitamin nhất là vitamin A để bảo vệ đôi mắt của trẻ. Cho trẻ uống nhiều nước (dung dịch Oresol, nước ép quả tươi, nước lọc...), đặc biệt khi trẻ sốt cao, tiêu chảy.

Vệ sinh răng miệng, vệ sinh thân thể cho trẻ; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ để hạn chế các biến chứng của sởi. Không nên kiêng tắm, kiêng gió vì sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn.

Nếu nghi ngờ người thân mình nhiễm sởi, điều đầu tiên là cần đưa ngay tới bệnh viện. Sởi là một bệnh có khả năng lây truyền mạnh nên bắt buộc phải thông báo với các cơ sở y tế. Luôn cho người bệnh uống thật nhiều nước để giảm thiểu tình trạng cơ thể bị khử nước do sốt.

Đặc biệt cần phải đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ điều trị theo quy định.

*Các biện pháp phòng bệnh Sởi

Tiêm phòng vắc-xin - đây là biện pháp quan trọng nhất. Phụ huynh cần đảm bảo trẻ được tiêm vắc-xin sởi đầy đủ theo lịch tiêm chủng quốc gia. Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh.

Trẻ dưới 2 tuổi được tiêm vắc xin sởi miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tại các trạm y tế xã/phường. Trẻ trên 2 tuổi và người lớn chưa tiêm vắc xin sởi cần tiêm sớm vắc xin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ.


 

 


* Vệ sinh phòng bệnh


Dùng khăn hoặc tay che miệng khi ho, hắt hơi. Rửa tay trước và sau khi ăn.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày.

Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, các vật dụng cho trẻ. Giữ cho nhà ở, phòng học luôn thông thoáng, tránh gió lùa khi trời lạnh.

           Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, cắt móng chân móng tay gọn gàng.

Không cho trẻ tiếp xúc và dùng chung vật dụng, đồ chơi với trẻ mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi. Hạn chế cho trẻ đến chỗ đông người, tại nơi có dịch sởi.

Không cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân mắc sởi hoặc nghi mắc sởi; Thường xuyên rửa tay và vệ sinh thân thể cho trẻ, rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ.

Tẩy trùng sàn nhà bằng dung dịch sát khuẩn CloraminB.

Khi phát hiện trường hợp có triệu chứng như sốt, phát ban, chảy nước mũi,... gia đình phải thông báo ngay đến Trạm y tế xã, phường; các cơ sở y tế để được tư vấn, xử trí, điều trị, cách ly kịp thời.

* Trường Tiểu học Yên Sở luôn đồng hành cùng quý phụ huynh trong việc chăm sóc sức khỏe cho các em học sinh. Nhà trường thường đã ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Sởi năm học 2024 – 2025 với một số nội dung:

Thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống bệnh sởi, đồng thời theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của học sinh. Vệ sinh lớp học hàng ngày, vệ sinh môi trường xung quanh, đồ dùng học tập, các vật dụng được ngâm rửa thường xuyên bằng xà phòng, chất tẩy rửa vào thứ 6 hàng tuần. Chủ động giám sát, phát hiện xử lý kịp thời, đúng quy định khi có học sinh mắc bệnh. Tăng cường công tác kiểm tra, đột xuất về công  tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân học sinh. Lau rửa nhà vệ sinh thường xuyên 2 lần/1 ngày vào buổi trưa và cuối ngày đảm bảo nhà vệ sinh luôn sạch sẽ, không có mùi, khô ráo. Mỗi lớp bố trí thùng rác có nắp đậy. Thu gom, đổ rác đúng nơi quy định. Có đủ nước sạch phục vụ trong ăn uống, sinh hoạt của trẻ.

Đồng thời, thực hiện các hoạt động phòng chống dịch sởi tới toàn thể giáo viên, nhân viên. Vận động phụ huynh và học sinh tham gia tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho chính bản thân mình và tại cộng đồng. 

+ Nắm bắt được tình hình sức khỏe của học sinh lớp mình. 

+ Thông báo và cách ly học sinh có biểu hiện bệnh tại phòng y tế.

+ Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng .

+ Đảm bảo ăn chín, uống sôi, cân đối về khẩu phần, dinh dưỡng cho học sinh. 


Quý phụ huynh cũng cần phối hợp với nhà trường để đảm bảo trẻ được chăm sóc và bảo vệ đúng cách, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh có nguy cơ bùng phát.

           Trên đây là nội dung tuyên truyền phòng chống dịch Sởi của trường Tiểu học Yên Sở, chúng ta hãy thực hiện tốt để tránh mắc bệnh nhé!

 

 

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: