icon icon
Số 4 Đường Yên Sở, Thôn 4, Xã Yên Sở, Huyện Hoài Đức, Hà Nội Tìm kiếm

Trường Tiểu học Yên Sở tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết cho học sinh.

Người đăng: TRƯỜNG TIỂU HỌC YÊN SỞ - 12/03/2024

        Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây lan thành dịch nhanh chóng, nhưng đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Số ca mắc bệnh thường tăng nhanh vào mùa mưa và có nguy cơ bùng phát thành dịch. Thời gian gần đây, số người mắc bệnh sốt xuất huyết ở nước ta, trong đó có thành phố Hà Nội và huyện Hoài Đức đang có chiều hướng gia tăng. Chúng ta cùng tìm hiểu về bệnh sốt xuất huyết để có biện pháp phòng bệnh nhé!

1. Sốt xuất huyết là gì?

       Sốt xuất huyết là tên thường gọi của bệnh sốt kèm theo các biểu hiện xuất huyết. Là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra. Bệnh truyền từ người bệnh sang người lành qua muỗi vằn.

2. Sốt xuất huyết có ở đâu?

       Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng nhiệt đới. Ở Việt Nam xảy ra ở hầu hết các tỉnh, tập trung ở các xã đồng bằng và ven biển. Bệnh xảy ra quanh năm, thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11 trong năm.

3. Bệnh sốt xuất huyết lây qua đường nào?

Theo Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) bệnh sốt xuất huyết lây truyền qua 2 đường bao gồm:

- Lây bệnh do bị muỗi vằn đốt là đường lây phổ biến nhất: Trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi aedes hay còn gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn sau khi đốt hút máu người bệnh sốt xuất huyết hoặc người bệnh mang vi rút Dengue nhưng không biểu hiện triệu chứng (Người lành mang bệnh), rồi sau đó đốt người khỏe mạnh sẽ đưa vi rút vào cơ thể người khỏe mạnh qua vết đốt đó.

- Lây qua đường lấy máu hoặc dùng chung bơm kim tiêm: Đường lây bệnh này ít phổ biến hơn so với lây qua đường muỗi đốt.

4. Tại sao bệnh sốt xuất huyết lại nguy hiểm?

- Hiện nay bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.

- Bệnh có thể gây thành dịch lớn làm nhiều người mắc cùng lúc, gây khó khăn cho việc chăm sóc và điều trị, giảm sức lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe, làm thiệt hại về kinh tế xã hội và gây tử vong cao, đặc biệt là trẻ em.

5. Dấu hiệu nhận biết người mắc bệnh sốt xuất huyết?

- Thể bệnh nhẹ: sốt cao đột ngột, kéo dài trong 2 - 7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có dấu hiệu phát ban.

- Thể bệnh nặng: bao gồm các dấu hiệu trên và kèm theo: chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng.

6. Khi nào thì nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết?

Khi có các triệu chứng:

- Bị sốt cao đột ngột không rõ nguyên nhân.

- Xung quanh cũng có thể có vài người sốt cao.

- Vùng này trước đây đã từng có dịch sốt xuất huyết.

- Vừa từ vùng có dịch sốt xuất huyết trở về.

7. Làm gì khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết?

Đưa ngay người nghi ngờ sốt xuất huyết đi bệnh viện khám. Trường hợp nhẹ có thể chăm sóc tại nhà như sau:

- Nghỉ ngơi tại nhà.

- Uống nhiều nước, uống dung dịch oresol, nước trái cây. Ăn nhẹ như cháo, sữa,...

- Hạ sốt với paracetamol, lau mát khi sốt cao (không dùng aspirin để hạ sốt).

- Theo dõi bệnh nhân, nếu có bất kì dấu hiệu xuất huyết nào hoặc khi có diễn biến nặng cần đưa ngay đến bệnh viện để khám và điều trị.

8. Để phòng bệnh sốt xuất huyết chúng ta cần làm gì?

Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, bọ gậy (loăng quăng) và phòng chống muỗi đốt.

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy (loăng quăng) bằng cách:

+ Thả cá vào tất cả các vật chứa nước trong nhà (bể, giếng, chum, vại, lu,...) để diệt bọ gậy (loăng quăng).

+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa,... dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi khong dùng đến.

+ Thay nước, thau rửa chum, vại, lu hàng tuần.

- Phòng chống muỗi đốt:

+ Mặc quần áo dài tay.

+ Ngủ trong màn (mùng) kể cả ban ngày.

+ Dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi,...

+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

- Khi xảy ra dịch cần tăng cường các biện pháp chống dịch, làm giảm nhanh mật độ muỗi trong cộng đồng bằng cách phun hóa chất diệt muỗi vào không gian.

          Chúng ta hãy cùng nhau vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, diệt muỗi, giệt bọ gậy; "Không có bọ gậy, không có muỗi vằn, không có sốt xuất huyết."

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: